
TÓM LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, như bao tỉnh thành khác trong cả nước, Vĩnh Long (trước đây là tỉnh Cửu Long) thực hiện việc tiếp quản ruộng đất, tập trung tư liệu sản xuất và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp theo mô hình hợp tác hoá, chuyển từ chế độ tư hữu đất đai sang hình thức sở hữu toàn dân về đất đai. Thời điểm này, cơ quan quản lý ruộng đất tỉnh được thành lập với quy mô nhỏ, hợp thành từ 2 bộ phận: Quy hoạch Nông nghiệp và Quản lý ruộng đất thành Phòng Quy hoạch và quản lý ruộng đất trực thuộc Sở Nông nghiệp, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là điều tra, khảo sát, đo đạc, xây dựng bản đồ, thống kê diện tích đất đai, quy hoạch bố trí cây trồng trong Tỉnh.
Năm 1979, để thống nhất đầu mối quản lý ruộng đất trong cả nước, một hệ thống cơ quan chuyên môn được thành lập. Theo đó, ở Trung ương, Tổng Cục quản lý ruộng đất được thành lập trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước; ở địa phương, cơ quan quản lý ruộng đất được thành lập theo 03 cấp và trực thuộc UBND cùng cấp. Tại tỉnh Cửu Long, Ban Quản lý ruộng đất được thành lập ở cấp tỉnh, Phòng Quản lý ruộng đất được thành lập ở cấp huyện và cấp xã có cán bộ quản lý ruộng đất chuyên trách. Năm 1986, Ban Quản lý ruộng đất tỉnh giải thể và sáp nhập vào Sở Nông nghiệp thành Chi Cục quản lý ruộng đất.
Năm 1992, tỉnh Cửu Long đã được chia tách thành 2 tỉnh là Trà Vinh và Vĩnh Long. Năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định tách Chi cục Quản lý ruộng đất ra khỏi Sở Nông nghiệp, thành lập Cục Quản lý đất đai.
Đến năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 34-CP về việc thành lập hệ thống ngành Địa chính từ Trung ương đến địa phương. Tại tỉnh, Sở Địa chính tỉnh Vĩnh Long được thành lập trên cơ sở chuyển từ Cục Quản lý đất đai, ở cấp huyện có Phòng Địa chính và cấp xã có 01 cán bộ địa chính chuyên trách. Bộ máy tổ chức ngành địa chính tỉnh tiếp tục được củng cố với việc hình thành thêm 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Địa chính là Trung Tâm đo đạc bản đồ địa chính và Trung Tâm thông tin lưu trữ địa chính. Tổng biên chế của ngành địa chính tỉnh là 237 người (cấp tỉnh: 81, cấp huyện: 49, cấp xã: 107).
Đến năm 2002, theo định hướng thành lập các Bộ đa ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 của Quốc hội khoá XI và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ. Tại Vĩnh Long, Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính với 2 phòng chức năng từ các Sở khác chuyển về: Phòng Tài nguyên khoáng sản (thuộc Sở Công nghiệp) và Phòng Quản lý Môi trường (thuộc Sở Khoa học – Công nghệ và môi trường). Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của ngành được mở rộng hơn, ngoài tham mưu quản lý nhà nước về tài nguyên đất, đo đạc bản đồ, ngành còn có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 263 công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại 04 phòng chuyên môn, tham mưu nghiệp vụ (Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý Đất đai, Phòng Tài nguyên Khoáng sản - Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn) và 04 đơn vị trực thuộc, gồm: Chi cục Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Trung tâm Kỹ thuật TN&MT, Văn phòng Đăng ký Đất đai và 08 chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Tại cấp huyện, có 08 Phòng Tài nguyên và Môi trường với số lượng công chức xấp xỉ 60 người. Đối với cấp xã, mỗi xã có 01 công chức địa chính. Toàn ngành có trên 80% số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên.